Dật sự Loạn Hầu Cảnh

Cảnh đánh úp kinh thành, lo Vương Chất ngăn giữ thì không thể vượt sông. Ít lâu sau Chất được triệu về, ông vẫn chưa tin, sai người đi dò xét, hẹn rằng nếu Chất đã về, thì bẻ một cành cây làm tín vật. Thám tử làm như lời ấy, Cảnh mừng lắm, nói: "Việc của ta ắt xong!"

Trong những năm Đại Đồng (535 - 546) có câu đồng dao "thanh ti bạch mã Thọ Dương lai" (tơ xanh, ngựa trắng từ Thọ Dương <tức Thọ Xuân [15]> đến). Về sau Cảnh ở Thọ Xuân xin gấm may áo cho quân đội, triều đình đổi cấp cho vải xanh. Đến nay Cảnh cưỡi ngựa trắng, đưa phản quân mặc áo xanh đến tấn công kinh thành, ứng với câu đồng dao trên.

Xưa kia Tiêu Cương nằm mơ thấy họa công vẽ mình ra Tần Thủy Hoàng, nói: "Người này đốt rất nhiều sách!" Trong lúc chiến sự kịch liệt, Tiêu Cương đốt sạch Đông Cung, vài trăm hòm sách ở đấy đều hóa ra tro, thế là ứng nghiệm.

Tương truyền Cảnh dựa vào câu đồng dao mà đặt niên hiệu của Tiêu Chánh Đức là Chánh Bình. Nhưng người đương thời lại diễn giải rằng: Chánh Đức rốt cục phải bị tiêu diệt (chữ Hán: 正德卒當平殄, Chánh Đức tốt đương bình điễn).

Ngày trước Tiêu Cương trong đêm lạnh từng có thơ rằng: "Tuyết hoa vô hữu đế, băng kính bất an đài." (tạm dịch: hoa tuyết không có đế, gương băng không cần đài) lại vịnh trăng như sau: "Phi luân liễu vô triệt, minh kính bất an thai." (tạm dịch: Bánh xe bay không có vết, gương sáng không cần đài). Người đời sau đều xem là sấm thơ, cho rằng: (hoa) không có đế tức là không có đế (vua); ‘bất an đài’ tức là đài thành bất an; ‘luân vô triệt’ tức là Tiêu Luân không đến cứu viện.

Tháng 12 năm Thái Thanh thứ 3 (549), sứ giả Bách Tế đến, trông thấy các gò, đống trong thành, bật khóc ở ngoài Đoan Môn, những người qua đường không ai không rơi nước mắt. Cảnh nghe chuyện thì cả giận, bắt giam sứ giả ở chùa Tiểu Trang Nghiêm, cấm không cho đi lại.